Quyết định hiệu quả hơn với phương pháp Cynefin

Trong những năm đầu đi làm, mình đã gặp rất nhiều người lãnh đạo giỏi. Họ có thể đưa ra những quyết định trong các tình huống khó khăn mà tới vài tháng sau, thậm chí cả năm sau mình mới hiểu được sự đúng đắn trong những quyết định đó.
Mình biết, việc học ở các trường danh tiếng hay được tiếp xúc với mọi người giỏi khác chắc chắn là một lợi thế giúp họ đưa ra được những quyết định sáng suốt. Nhưng không phải ai cũng có được những yếu tố may mắn như thế trong cuộc sống.
Thế nên mình luôn cố gắng tìm hiểu các khung tư duy (framework) như một công cụ giúp mình suy nghĩ và đưa ra quyết định tốt hơn.
Cynefin là một khung tư duy mình mới học được và (sau nhiều ngẫm nghĩ) thấy có tính ứng dụng khá tốt trong cuộc sống.
Khung tư duy Cynefin là gì?
Cynefin là khung tư duy giúp chúng ta phân loại các vấn đề trong cuộc sống, dựa vào sự phức tạp và gợi ý những hành động để giải quyết vấn đề đó.
Framework này được phát triển bởi David J. Snowden (một nhà tư vấn quản lý và nghiên cứu về lĩnh vực quản lý kiến thức) và Mary E. Boone (chủ tịch của một công ty tư vấn tại Essex, Connecticut) vào năm 1999.
Cynefin chia vấn đề thành năm loại:
- Clear: hiển nhiên (trước kia có tên là Simple, sau đó đổi thành Obvious, cuối cùng là Clear).
- Complicated: rắc rối.
- Complex: phức tạp.
- Chaotic: hỗn loạn.
- Disorder: các vấn đề không thuộc 4 nhóm kia – mình không viết về cái này vì chưa tìm được ví dụ.
Hiển nhiên
Đặc điểm
Đây là các vấn đề trong đó mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả rất rõ ràng. Thường đó là những vấn đề có nhiều người gặp phải, hoặc thường xuyên xảy ra trong cuộc sống.
Giải pháp của vấn đề thuộc nhóm này thường đã được định nghĩa sẵn, dễ thấy, không cần nhiều kiến thức chuyên môn mới làm được. Các giải pháp thường được gọi là “best practice.”

Ví dụ, thời gian mình mới qua Singapore thì có vấn đề về tiêu hoá. Nguyên nhân rất rõ ràng, do chế độ ăn của người Singapore ít rau, thế nên họ đã quen với việc khẩu phần ăn thiếu màu xanh. Đối với vấn đề này, “best practice” thường là bổ sung rau xanh hoặc ăn thêm sữa chua – cả hai thứ này mình đều đã làm.
Một số ví dụ khác về những vấn đề đơn giản:
- Nên làm slide thế nào để người đọc dễ theo dõi (best practice: ít chữ, nhiều hình, sắp xếp hình trái chữ phải).
- Làm thế nào để không xúc phạm người của một quốc gia nào đó (best practice: học văn hóa, phong tục của họ).
Cách xử lý cho các vấn đề đơn giản sẽ gồm ba bước
- Tìm hiểu vấn đề (sense): nguyên nhân là gì, kết quả là gì.
- Phân loại vấn đề (categorize): mình thấy bước này không cần lắm, tìm hiểu xong thấy đơn giản thì bước tới bước phản ứng thôi.
- Phản ứng (respond) bằng cách áp dụng những best practices do người đi trước/sách vở gợi ý.